Hàng ‘hot’ nhờ hiếm

Hàng ‘hot’ nhờ hiếm
– Từ chuyện khu biệt thự nghỉ dưỡng biển tại Cát Bà đến các căn hộ chung cư tầm 1,5 tỷ đồng đổ xuống vẫn bán hết sạch trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm hiện nay chứng tỏ rằng, tạo sự khác biệt sẽ đem lại sự thành công.

Công ty VINACONEX – ITC vừa hợp tác với hai công ty tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank và CBRE để bán hàng cho khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Fantasia, thuộc dự án phức hợp nghỉ dưỡng Cát Bà Amatina. Đây là một trong số ít các khu nghỉ dưỡng ở biển miền Bắc; hơn thế, là một dự án bán hàng hiếm hoi thu hút được sự quan tâm của các nhà kinh doanh quốc tế trong bối cảnh hiện nay.


Tổng giám đốc công ty VINACONEX-ITC Trần Ngọc Quang tại buổi họp báo công bố đại diện bán hàng khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Fantasia thuộc dự án phức hợp nghỉ dưỡng Cát Bà Amatina
Việc đẩy mạnh bán hàng của VINACONEX – ITC trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay có vẻ như không hợp lý. Tuy nhiên, trái với sự đi xuống của thị trường, dự án này lại có được sự đắt khách. Được biết, trước khi có đợt bán hàng này, thì ngay trong năm 2011, dự án đã có hai đợt bán hàng với hàng trăm biệt thự giao dịch thành công. Đợt bán hàng này cũng được dự đoán là sẽ thuận lợi khi có được sự quan tâm của rất nhiều khách hàng.

Khách hàng quan tâm tới biệt thự nghỉ dưỡng và các hạng mục của dự án Cát Bà Amatina
Trong khi đó, Việt Nam dường như đang bội thực với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp. Đặc biệt, là các khu nghĩ dưỡng biển mọc lên dày đặc ở khu vực miền Trung và miền Nam. Thậm chí, có thể nói nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp đang thừa so với cầu hiện tại nhưng có vẻ như điều đó không đúng với dự án ở Cát Bà.

Nói về điều này, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch tại Cát Bà là rất lớn và có thể nói là hiếm có một nơi nào hội đủ các yếu tố rừng, biển và di sản như ở Cát Bà. Điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn cho dự án.


Chung cư Xã La với các căn hộ dưới 1,5 tỷ đồng vẫn hút khách trong bối cảnh thị trường BĐS ế ẩm.
Đặc biệt hơn, nguồn cung về bất động sản du lịch tại đây là giới hạn và thậm chí có thể nói là quý hiếm bởi như chúng ta đã biết, đảo Cát Bà hạn chế phát triển để bảo tồn. Vì thế, rất khó để có thêm được một dự án nào tương tự như vậy. Đó chính là yếu tố tạo nên độ “hot” cho dự án này và cũng là điều đảm bảo thành công trong dài hạn.

Nhìn rộng ra cả miền Bắc, dù bất lợi về thời tiết không có nắng quanh năm nhưng bất động sản nghỉ dưỡng biển lại rất đắt khách. Cả miền Bắc, số dự án không nhiều, dự án đẹp chỉ đếm trên đầu ngón tay nên hàng ra đến đâu thường hết đến đó. Điều này trái với cảnh ưu đãi về điều kiện tự nhiên nhưng lại quá nhiều hàng nên dẫn đến kém hấp dẫn.

Câu chuyện từ Cát Bà nhớ lại những diễn biến trên thị trường gần đây cho thấy, trong khi đa số các dự án chung cư ở Hà Nội đều xuống giá và ế hàng thì vẫn có một số nhóm sản phẩm được khách hàng săn mua. Một trong những phân khúc đó chính là loại căn hộ chung cư ở các quận mới có giá khoảng 1,5 tỷ đồng có bao nhiêu hết bất nhiêu. Giá căn hộ trên dưới 15 – 17 triệu đồng/m2 nên khách không hề đắn đo khi quyết định bỏ tiền dù thị trường đi xuống.

Thực tế, những loại căn hộ này không nhiều, chỉ có một số ít ở Xa La và Dương Nội – Hà Đông với diện tích trên 60 – 70 m2, có thiết kế hợp lý, phù hợp với gia đình nhỏ, người mới lập nghiệp, ít tiền ở đô thị. Thậm chí, sau khi mua đi bán lại, giá có thể đẩy lên đến 20 triệu/m2 thì người dân vẫn chấp nhận vì “tiền vừa tầm”. Vì thế, dù ban đầu được xem là hàng thấp cấp, nhưng bây giờ lại thành hàng “hot” vì hiếm.

Trái ngược với cảnh này là ê hề các dự án chung cư cao cấp trải khắp các quận nội thành ra đến ngoại thành đang không thể bán hàng. Nhà đầu tư đã phải chấp nhận giảm giá, khuyến mãi nhưng vẫn không có khách mua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này nhưng điều quan trọng nhất là hàng quá nhiều nhưng lại quá đắt nên chẳng ai mua. Vì thế, dù tốt, đẹp nhưng lại nhiều và giá không hợp lý nên nó đã thành của ế.

Thừa nhận thực tế này, Bộ Xây dựng đã cho rằng, chính các doanh nghiệp đã làm khó cho chính mình khi tạo ra một cơ cấu hàng hóa không phù hợp với thực tế. Quá tập trung thiên lệch vào hàng cao cấp, trong khi lại bỏ rơi nhóm hàng nhu cầu cao nhất là hàng trung bình, hàng cho người thu nhập thấp. “Hot” hay “hiếm” chỉ là cách nhìn của thị trường theo từng thời điểm. Nhưng thực chất là các doanh nghiệp chưa biết chọn lối đi riêng để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính mình. Từ câu chuyện Cát Bà cho đến những căn hộ nhỏ ở Hà Nội tiếp tục nhắc lại những bất cập và cả bài học kinh doanh trên thị trường này.