27/01/2011 14:13 (GMT+7)
Cần hạn chế tối đa việc sử dụng công cụ hành chính, mạnh dạn sử dụng công cụ thị trường.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong năm 2011, tỷ giá và lạm phát sẽ tiếp tục tạo áp lực lên thị trường chứng khoán
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong năm 2011, tỷ giá và lạm phát sẽ tiếp tục tạo áp lực lên thị trường chứng khoán.
Đâu là cơ hội và điểm tựa cho thị trường? Chúng tôi trích đăng một số ý kiến của các chuyên gia và quan chức tại hội thảo “Dự cảm thị trường chứng khoán 2011”. do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán và Ban kinh tế Thông tấn xã Việt Nam tổ chức mới đây.
Hạn chế tối đa dùng công cụ hành chính
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
“Năm 2011, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu tác động lớn từ các chính sách để kiềm chế lạm phát, ổn định lãi suất. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ cần nhanh chóng ổn định tỷ giá hối đoái bằng các giải pháp, chính sách đồng bộ, giảm chênh lệch tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá chính thức, nếu cần thì điều chỉnh tỷ giá, thời điểm cuối năm 2011 có thể thích hợp hơn.
Quan trọng là nghệ thuật điều hành tỷ giá sao cho đủ liều lượng, đúng thời điểm và góp phần giảm kỳ vọng đồng nội tệ mất giá của người dân.
Tỷ giá trên thị trường tự do những ngày cuối năm 2010 và đầu 2011 đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên điều này không hẳn khiến thị trường an tâm về áp lực giảm giá đồng nội tệ trong năm nay. Liều lượng và thời điểm điều chỉnh tỷ giá vẫn là ẩn số lớn và như một mối lo ngại treo lơ lửng, do thị trường không thể dự đoán được động thái chính sách.
Để bình ổn được tỷ giá trong năm 2011, cần làm đồng bộ 4 biện pháp. Thứ nhất là sử dụng công cụ thị trường trong điều tiết cung tiền. Mục tiêu cụ thể là bỏ hẳn quy định về định mức cho vay tín dụng trong Thông tư 19, chuyển sang sử dụng công cụ truyền thống là dự trữ bắt buộc. Hạn chế các ngân hàng chỉ được cho vay một phần theo mức huy động hiện tại sẽ giam tiềm trong các ngân hàng và thậm chí còn tác động lớn hơn cả công cụ dự trữ bắt buộc.
Sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước sẽ có trong tay một khoản tiền để chi phối hoạt động thị trường liên ngân hàng, can thiệp vào các ngân hàng gặp khó khăn một cách chủ động như Mỹ giảm lãi suất xuống 0,2% nhưng vẫn duy trì dự trữ bắt buộc 10% hay Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở ngân hàng lớn lên 18% và ở ngân hàng nhỏ là 16,5%.
Sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc, trong đó dự bắt buộc bằng ngoại tệ phải cao hơn nội tệ. Trên cơ sở đó tạo ra chênh lệch về lãi suất hợp lý: Lãi suất tiền gửi ngoại tệ phải thấp xuống, cho vay cao lên để dân chúng thấy gửi ngoại tệ không lợi bằng gửi nội tệ và vay ngoại tệ không có lợi bằng vay nội tệ.
Thứ hai, phải phấn đấu giảm lạm phát. Theo tôi, lạm phát năm 2011 sẽ không căng thẳng như năm 2010. Tôi nghĩ cả hai yếu tố ảnh hưởng mạnh đến lạm phát 2010 là lương thực, thực phẩm và giáo dục sẽ giảm mạnh từ tháng 3/2011 trở đi.
Thứ ba, ngân hàng trung ương có thể phải can thiệp để giảm chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức. Thứ tư, nếu cần thiết, sẽ phải thực hiện điều chỉnh tỷ giá.
Yếu tố nữa quan trọng nhất lúc này là phải tránh, hạn chế tối đa việc sử dụng công cụ hành chính, mạnh dạn sử dụng công cụ thị trường. Việc sử dụng các công cụ thị trường tạo ra khuynh hướng có thể dự báo được những biến động của chính sách và thị trường không hoang mang. Ngoài ra, tạo sự nhất quán về chính sách để nhà đầu tư, doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh, có thể tin tưởng là thực hiện được. Điều hành nên tránh lạm dụng công cụ hành chính, liều lượng phải đủ dập tắt các kỳ vọng thị trường, thời điểm thực hiện cần khôn khéo để tránh phải điều chỉnh quá nhiều lần”.
Nhiều tín hiệu khả quan về luồng vốn nước ngoài
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán
“Sức cầu trên thị trường năm 2011 phụ thuộc vào hai kênh: lực cầu trong nước và nguồn vốn ngoại. Cầu trong nước sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và tài chính. Nếu các chính sách này nới lỏng thì lượng cung tiền ra sẽ tốt hơn. Thứ hai là các giải pháp về thị trường, giải pháp tạo thanh khoản nếu được ban hành cũng sẽ tạo sức cầu tốt hơn. Thứ ba, cầu trong nước phụ thuộc vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, USD.
Đối với nguồn tiền nước ngoài. Chúng ta đều thấy năm 2008, nước ngoài rút ra khoảng 1,9 tỷ USD, 2009 rút ra khoảng 230 triệu USD, năm 2010 thì vào 900 triệu USD. Như vậy thời kỳ hậu khủng hoảng, trong khi kinh tế thế giới gặp khó khăn và thông thường những thị trường mới nổi, tiềm ẩn nhiều rủi ro thì dòng vốn ngoại có xu hướng co cụm và rút tiền nhưng diễn biến năm 2010 tại Việt Nam lại tăng lên, điều đó cho thấy một tín hiệu khả quan về luồng vốn nước ngoài sẽ vào năm 2011.
Bởi trong thời điểm rất khó khăn của thế giới và trong nước của năm 2010, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về xuất khẩu, nhập siêu và luồng vốn bên ngoài. Năm 2011 nếu Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, bán cho đối tác chiến lược nước ngoài nếu có giải pháp hợp lý và họ nắm giữ 2-3 năm thì đó là nguồn đầu tư trực tiếp thì sẽ tạo sự ổn định trong dài hạn.
Dưới góc độ thị trường, các giải pháp như cùng mua cùng bán trong phiên, mở nhiều tài khoản, margin (giao dịch ký quỹ)… nếu ban hành sẽ tạo thanh khoản và sức cầu hơn”.
Sẽ sớm ban hành các công cụ, nghiệp vụ mới
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường – Ủy ban Chứng khoán
“Hiện nay những quy định mới nhằm tạo thanh khoản cho thị trường như cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, một số trường hợp được phép cùng mua cùng bán chứng khoán trong ngày giao dịch, các quy định nguyên tắc liên quan đến giao dịch ký quỹ, ủy quyền đối với nhân viên của công ty chứng khoán, đã được đưa vào trong Thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán. Hiện nay Ủy ban Chứng khoán đang hiệu chỉnh lại và báo cáo Bộ Tài chính để sớm ban hành.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã ký thông tư về chỉ tiêu an toàn tài chính của công ty chứng khoán. Đây là một trong những quy định rất tốt để kiểm soát các trung gian tài chính là công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ và cũng là nền tảng để Bộ Tài chính ký ban hành một số văn bản liên quan công cụ, nghiệp vụ, sản phẩm mới trong năm 2011.
Tôi cũng muốn nói rằng, các công cụ mới có tính lỏng trong điều kiện giám sát về mặt công nghệ còn hạn chế nên mặt trái cũng rất lớn. Vì vậy, việc Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán thận trọng trong ban hành các công cụ, nghiệp vụ mới là điều cần thiết”.