Rõ cơ hội để Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới

Rõ cơ hội để Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới
Sau 3 ngày thẩm định thực địa tại Cát Bà về hồ sơ đề cử UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, đoàn chuyên gia của Tổ chức Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) có ấn tượng tốt về giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là công tác quản lý, bảo tồn của chính quyền và người dân huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng trong gìn giữ di sản thiên nhiên quý giá. Qua đó mở ra cơ hội lớn và rõ ràng hơn để Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.

Nhiều ấn tượng tốt đẹp về Cát Bà

Ông Peter Hicthcock, chuyên gia về đa dạng sinh học vùng bờ và bà Gayatri Reksodihardjo- Lilley, chuyên gia về đa dạng sinh học vùng biển có lịch trình làm việc dày đặc trong những ngày ở Việt Nam, đặc biệt là thời gian thẩm định ở Cát Bà. Những câu hỏi liên tục được đặt ra từ các chuyên gia dành cho các cấp chính quyền, các nhà khoa học, Ban quản lý Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và ngư dân. Trong các cuộc làm việc và tiếp xúc với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền, các chuyên gia cam kết sẽ báo cáo trung thực, khách quan với trách nhiệm cao nhất về kết quả thẩm định hồ sơ quần đảo Cát Bà.
Đoàn chuyên gia IUCN đi thực địa rừng ngập mặn Phù Long, vườn kim giao, đỉnh Ngự Lâm, đường xuyên rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Bà. Đặc biệt, chuyến thực địa bằng tàu du lịch xuất phát từ bến Gia Luận xuyên qua các khu vực bảo tồn thuộc vịnh Lan Hạ, khu vực giáp ranh vịnh Hạ Long, cung cấp cho đoàn nhiều thực tế sinh động, những minh chứng cụ thể về tính đa dạng sinh học của quần đảo Cát Bà. Ông Hitchcock và bà Lilley rất ấn tượng khi tận mắt chứng kiến đàn voọc sinh sống ở khu vực bảo tồn Giỏ Cùng trên vịnh Lan Hạ. Họ không rời mắt khỏi ống nhòm để quan sát kỹ lưỡng hình dạng, màu sắc, kích cỡ và cách thức di chuyển của loài động vật đặc biệt quý hiếm, hiện trên thế giới chỉ còn hơn 60 cá thể ở Cát Bà. Đoàn vượt qua rặng núi đá hiểm trở vào khu vực hồ nước mặn liền kề hang Quả Vàng, nơi có nhiều loài sinh vật sinh sống và phát triển. Tại đây, các chuyên gia tìm hiểu các căn cứ thực tế minh chứng tính nổi trội, khác biệt về thiên nhiên, sinh thái so với các khu vực khác.
Trao đổi ý kiến với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sau chuyến thẩm định thực địa, ông Hicthcock và đoàn rất ấn tượng về vẻ đẹp thiên nhiên và sự đa dạng sinh học của quần đảo Cát Bà. Phó thủ tướng cho rằng việc thẩm định giá trị đa dạng sinh học của quần đảo Cát Bà  có những thuận lợi nhất định.  Những kết quả nghiên cứu, căn cứ khoa học và số liệu chính xác của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực này được dày công thực hiện trong nhiều năm qua rất có ý nghĩa, phục vụ đắc lực đợt đánh giá chuyên đề này.

Vịnh Tùng Dinh, Cát Bà.

Bảo tồn, gìn giữ di sản

Trong cuộc tiếp xúc với ông Hicthcock, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Hải Phòng và Cát Hải tự hào thay mặt cả nước sở hữu di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà và có trách nhiệm gìn giữ giá trị đó. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam, thành phố Hải Phòng cam kết bảo tồn quần đảo Cát Bà khi nơi đây thành lập Vườn quốc gia, Khu bảo tồn biển và được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Đồng thời, có giải pháp trả lại môi trường biển, rừng ngập mặn như vốn có và không để tác động của con người làm nguy hại đến di sản. Chủ tịch Dương Anh Điền nhiều lần khẳng định, thành phố mong muốn quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, vì đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Hải Phòng, mà còn là cơ hội để được áp dụng những tiêu chuẩn, sự giám sát và hỗ trợ quốc tế cao nhất trong bảo tồn di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà. Dù quần đảo Cát Bà có trở thành di sản thiên nhiên thế giới hay không thì việc bảo tồn luôn phải triển khai với trách nhiệm cao nhất nhằm gìn giữ di sản cho muôn đời sau.
Những ngày ở Cát Bà, đoàn chuyên gia IUCN không ít lần bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao công tác quản lý của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự hiểu biết, ý thức bảo tồn di sản của người dân trên đảo Cát Bà. Bên cạnh đó, những cam kết của Chính phủ, thành phố trong việc bảo tồn và giải quyết những thách thức, mối đe dọa, tác động đến di sản nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các chuyên gia IUCN. Kết quả thẩm định thực địa cho thấy hồ sơ quần đảo Cát Bà nổi trội về đa dạng sinh học theo tiêu chí 9 và 10, cùng với cam kết, nỗ lực trong kế hoạch và hành động quản lý, bảo tồn, đem lại những cơ sở và niềm tin rõ ràng hơn về việc quần đảo Cát Bà sớm trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.

 

Di sản đề cử quần đảo Cát Bà có tổng diện tích 336km2, là nơi sinh sống của 3.860 loài sinh vật. Điều làm nên giá trị nổi bật toàn cầu xét về quan điểm khoa học và bảo tồn tại Di sản Cát Bà được đánh giá của IUCN với 1 loài linh trưởng, 2 loài rùa biển và 6 loài thực vật được xếp ở cấp cực kỳ nguy cấp (CR). Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà chứa đựng đầy đủ các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học như rừng nguyên sinh, rừng ngập nước trên núi đá vôi, rừng kim giao, hang động, rừng ngập mặn, bãi triều, hồ nước mặn, rạn san hô. Có 76 loài quý hiếm trong danh mục IUCN đang sinh sống, đặc biệt là voọc đầu trắng, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí 9 và 10 của Ủy ban Di sản thế giới về Di sản đa dạng sinh học.